top of page
Writer's pictureNgan Tran

Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản năm 2023


Nhật Bản là một trong những nước mà Việt Nam lựa chọn để xuất khẩu trong các năm qua. Bên cạnh sự tương đồng về văn hóa đều ở châu Á, vị trí địa lý không quá xa cũng là một trong các yếu tố giúp các mặt hàng ở Việt Nam được bán nhiều tại Nhật Bản. Và để chuẩn bị cho việc xuất khẩu hàng đến Nhật Bản, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản là điều mà các chủ doanh nghiệp nên quan tâm và tiến hành.


Với mục đích cung cấp các thông tin cơ bản nhất về quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản, nội dung bài viết sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh về quy trình, thành phần giấy tờ, cũng như những lưu ý liên quan trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản.


(Đây là văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản do bên Ngân hỗ trợ đăng ký với Cục sở hữu trí tuệ Nhật Bản).


Thành phần hồ sơ


Để nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản, Quý khách cần chuẩn bị những giấy tờ sau:


  1. Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu

  2. Mẫu nhãn hiệu

  3. Phân loại của nhóm sản phẩm/dịch vụ lựa chọn đăng ký

  4. Yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (nếu có)

  5. Một số tài liệu chứng minh khác (nếu có)

  6. Lệ phí

Chi phí


  • Lệ phí cần nộp cho cơ quan đăng ký nhãn hiệu của Nhật Bản – (Japan Patent Office - JPO): ¥3,400/01 đơn/01 nhóm đầu tiên, cho mỗi nhóm tiếp theo trong cùng một đơn là ¥8,600. Quý khách có thể theo dõi thông tin Bảng Lệ phí chi tiết tại đây.

  • Phí dịch vụ: tùy mỗi công ty. Quý khách có thể điền vào mục Liên hệ để được gửi ngay biểu phí chính thức cho nhãn hiệu cần đăng ký.

Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Nhật Bản


Quý khách hàng có thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Nhật Bản theo 2 con đường sau: Nộp (1) trực tiếp tại cơ quan đăng ký nhãn hiệu của Nhật Bản JPO hoặc (2) thông qua một cơ quan quốc tế (theo Hệ thống Madrid hoặc Công ước Paris)




(Hình quy trình này được lấy tại website của Cục SHTT Nhật Bản, tại đây)


Bước 1: Chủ sở hữu nhãn hiệu nộp đơn đăng ký đến cơ quan đăng ký nhãn hiệu JPO. JPO sẽ công bố nội dung đơn chưa qua thẩm định trên Công báo ngay sau khi đã nhận được đơn.


Bước 2: Thẩm định hình thức - JPO sẽ kiểm tra các yêu cầu về thủ tục, hình thức của hồ sơ đã được đảm bảo hay chưa (bao gồm thông tin người nộp đơn, mẫu nhãn và phần mô tả đã khai trên đơn, phân nhóm sản phẩm/dịch vụ, và một số nội dung hoặc các giấy tờ chứng minh liên quan khác). Trong trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, JPO sẽ ra thông báo yêu cầu bổ sung.


Bước 3: Thẩm định nội dung - JPO sẽ thẩm định liệu hồ sơ có đáp ứng được các điều kiện về nội dung hay không. Đơn đăng ký sẽ bị từ chối nếu không đáp ứng điều kiện về nội dung, cụ thể:


  • Nhãn hiệu không có khả năng phân biệt theo kết luật của cơ quan đăng ký;

  • Nhãn hiệu không thể đăng ký vì bảo vệ lợi ích công cộng hoặc lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Khi đó, JPO sẽ gửi lý do từ chối đăng ký nhãn hiệu cho người nộp đơn. Người nộp đơn có quyền trả lời/giải trình bằng văn bản về các lý do từ chối. Trường hợp, sau giải trình cơ quan xác định không còn lý do từ chối, nhãn hiệu sẽ được cho phép đăng ký. Trường hợp sau giải trình, JPO vẫn kết luận không thể đăng ký, người nộp đơn có thể tiếp tục nộp đơn khiếu nại thậm chí kiện lên Tòa án Tối cao.


Bước 4: Trong trường hợp nhãn hiệu đáp ứng đầy đủ điều kiện về nội dung, hình thức, cơ quan đăng ký ra quyết định cho phép đăng ký nhãn hiệu. Người nộp đơn thanh toán phí đăng ký. Đến đây, nhãn hiệu đã được bảo hộ. Và các thông tin về văn bằng sẽ được đăng chính thức trên Công báo.


  • Đăng ký thông qua một cơ quan quốc tế (theo Hệ thống Madrid hoặc Công ước Paris)

Người đăng ký nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đến văn phòng quốc tế của WIPO (tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới), sau đó JPO sẽ tiến hành các bước kiểm tra, xác minh, công bố và cấp giấy đăng ký nhãn hiệu theo các bước tương tự như trên.


Thời gian trung bình một nhãn hiệu để đăng ký thành công


Theo quy định, toàn bộ thời gian từ khi nộp đơn đến khi cấp Văn bằng bảo hộ là 12 tháng. Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế mà thời gian này có thể kéo dài hơn, thông thường khoảng 13 đến 15 tháng.


Cấp, hiệu lực và việc gia hạn văn bằng


Sau khi được JPO cấp bằng bảo hộ thì thời hạn bảo hộ nhãn hiệu đó sẽ được kéo dài trong 10 năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn nhiều lần liên tục, mỗi lần 10 năm.


Yêu cầu về bằng chứng sử dụng nhãn hiệu


Ở Nhật Bản không yêu cầu cung cấp bằng chứng đã sử dụng hay dự định sử dụng khi nộp đơn đăng ký.


Tuy nhiên, trường hợp nhãn hiệu đăng ký thành công, chủ nhãn hiệu cần sử dụng chúng trong hoạt động kinh doanh. Vì nhãn hiệu nếu không được sử dụng trong thời gian là 3 năm kể từ ngày nhãn hiệu được cấp văn bằng (a three-year period from the registration date) sẽ có nguy cơ bị một bên thứ ba gửi Yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu do việc không sử dụng (Removal for non-use).


Yêu cầu Luật sư/Đại diện đối với hồ sơ mang yếu tố nước ngoài


Đối với những hồ sơ nhãn hiệu của chủ thể nước ngoài, cần thuê đại diện/luật sư nhãn hiệu thay mặt mình làm việc với JPO.

Lưu ý thêm:

  • Quý khách có thể tra cứu nhãn hiệu trực tuyến của JPO tại đây.

  • Ngôn ngữ sử dụng để trả lời các Thông báo dự định từ chối nhãn hiệu (Office action) với JPO là tiếng Nhật

Tài liệu tham khảo viết bài được lấy từ:

Quý khách cần hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Ngân tại địa chỉ email: ngan.tran@maygusttrademarks.com.au hoặc liên hệ LinkedIn, Facebook.

20 views0 comments

Comments


bottom of page